Nhận hướng trong "thế giới phẳng"
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Nhận hướng trong "thế giới phẳng"
Với "siêu lộ thông tin", “chuỗi cung ứng toàn cầu”... các nước đang phát triển có thêm nhiều cơ hội do "thế giới phẳng" mang lại. Vấn đề chỉ là nhận biết cơ hội và quyết định có tận dụng các cơ hội này hay không.
Hội nhập là để tồn tại
Đã vào WTO, hội nhập không phải để có lợi mà để tồn tại. Trong thế giới “phẳng”, các quốc gia phụ thuộc vào nhau về kinh tế và không thể theo định hướng tự cung tự cấp. Singapore là điển hình về hội nhập sâu vào các chuỗi cung cứng (supply chain) thế giới. Họ nhập khẩu vật tư, thậm chí nhân lực để sản xuất vài công đoạn (không toàn bộ) của chuỗi giá trị (value chain) để xuất khẩu. Vì vậy, Singapore giàu nhưng không có thương hiệu hay tập đoàn toàn cầu.
Nhà nước (đặc biệt với nước đang phát triển) có vai trò chủ đạo trong hội nhập bằng việc tạo ra hạ tầng cơ sở “cứng” (vật thể) và "mềm" (như pháp lý, giáo dục) cho hội nhập. Nhà nước xác định những ngành, sản phẩm (sản phẩm) ta nhất định phải có, giúp “giải mã” các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của thế giới để hội nhập.
Chủ động hội nhập có lợi hơn bị động - thụ động chờ họ “vào”. Chủ động thầu làm một công đoạn của một sản phẩm thì được trả công bằng giá trị của công đoạn đó, nhưng "trải thảm đỏ mời nhà đầu tư" thì chỉ được trả theo giá cơ hội của hiện trạng, hoặc giá đất nông nghiệp.
Quan niệm lại về sản phẩm
Trước kia, đầu ra (output) của sản xuất vật chất khi xuất xưởng là sản phẩm (công đoạn "cứng"). Nay, sản phẩm cần bao gồm cả lưu thông, tiếp thị, thương mại hóa sản phẩm (công đoạn ”mềm”). Khi phạm vi bán càng rộng, chuỗi cung ứng càng lớn, chi phí cho công đoạn “mềm” càng tăng và cho “cứng” càng giảm. Thực tế rất ít nước đang phát triển có thể bán được sản phẩm trên quy mô toàn cầu.
Để quyết định xem có “làm” một sản phẩm không, cần xác định xem có bán được không? bán ở quy mô nào? cần đầu tư bao nhiêu cho công đoạn “mềm”? Nhất quyết không sản xuất sản phẩm khi chưa rõ tính khả thi của công đoạn mềm. Khi các liên kết công nghiệp- thương mại không phải do thị trường tạo ra hoặc còn dựa vào mệnh lệnh hành chính, việc “cắt đoạn” chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cho các ngành, DN khác nhau quản lý là rất mạo hiểm. Tình hình thép, xi măng, đường, công nghiệp ô tô, thuốc tây... gần đây là những ví dụ. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều DN, ví dụ: trước đây, DN nông nghiệp, DN công nghiệp đều thông qua DN thương mại để bán sản phẩm. Nay, họ phải tự bán sản phẩm của mình.
Phát triển ngang lợi hơn phát triển dọc
Phát triển dọc (vertical) là thực hiện hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho một sản phẩm, ví dụ: từ sản xuất thép, lốp... cho đến bán xong ô tô. Phát triển dọc đòi hỏi đầu tư lớn, đặc biệt về công nghệ. Đầu tư cho phát triển dọc sẽ mạo hiểm hơn vì phải làm nhiều công việc, phải mua công nghệ mới. Để phát triển dọc, tất cả các công đoạn đều phải cạnh tranh được với bên ngoài. Vì vậy, cần nghĩ kỹ khi phát triển dọc. Lưu ý là FDI không phát triển “dọc” cho ta (như ta vẫn mong đợi) vì họ chỉ làm công đoạn có lợi nhất chứ không làm toàn bộ chuỗi.
Phát triển dọc trong phạm vi một nước (tối ưu hóa từ tập hợp nhỏ) sẽ không thể cạnh tranh với phát triển dọc trên phạm vi toàn cầu (tối ưu hóa từ tập hợp lớn).
Phát triển ngang (horizontal) không làm toàn bộ chuỗi mà chỉ làm tốt (một số) công đoạn trong chuỗi giá trị, ví dụ: qua nâng cấp, tăng ứng dụng công nghệ, mở xưởng ở địa phương mới...phát triển ngang được UNIDO, Ngân hàng Thế giới... khuyến cáo cho các nước đang phát triển, đặc biệt các DN nhỏ và vừa thực hiện. Đây là cách kinh doanh hiệu quả và để nâng cấp công nghệ ít mạo hiểm nhất.
Từ giữa thế kỷ 20 và kéo dài đến ngày nay, làn sóng công nghiệp hóa ở một số nước đang phát triển thực chất là quá trình phát triển dọc trong các ngành, nhằm đi lại con đường các nước phát triển đã đi từ vài thế kỷ trước. Song thế giới phẳng làm chương trình công nghiệp hóa, “đầu tư chiều sâu” của các nước đang phát triển trở nên khó khả thi vì lợi nhuận do phát triển ngang (như thông qua FDI) lớn hơn phát triển dọc. Chỉ làm “công đoạn” thay vì làm cả “sản phẩm”
Ngày nay, không một sản phẩm công nghiệp nào được làm trọn vẹn ở một nước. Những sản phẩm của nước ngoài thường rẻ hơn các sản phẩm nội địa vì có chuỗi cung ứng với nhiều tối ưu hơn. Như vậy, ta chỉ cạnh tranh được trong một số công đoạn nhất định, thường là các công đoạn cứng. Thường ta làm kém các công đoạn “mềm” như lập thương hiệu, quản lý chuỗi cung ứng, tiếp thị, hậu cần... Ta không thể làm toàn bộ một chuỗi giá trị của sản phẩm để bán trên quy mô toàn cầu, song có thể bán một vài công đoạn trong chuỗi giá trị. May 10 khó bán áo sơ mi trên thế giới nhưng đã may gia công (tức là bán công đoạn gia công) cho khá nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lợi thế của bán kỹ năng (công đoạn) là có thể bán cho nhiều chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các sản phẩm khác nhau. Ta cần chọn công đoạn có giá trị gia tăng (value added) lớn nhất để bán. Khéo tay thì không nên chỉ thêu thùa, nặn tò he... mà nên gia công linh kiện công nghệ cao; vẽ "đẹp" thì không nên làm tranh Đông Hồ... mà nên làm đồ họa vi tính. Ta cũng có thể làm tốt out-sourcing trong kế toán, tài chính, mô phỏng, đồ họa trên máy tính, gia công tinh xảo, sửa chữa thiết bị điện tử, v.v.
Mô hình các ngành công nghiệp, tập đoàn, tổng công ty dựa trên phát triển dọc sẽ không hiệu quả trong thế giới phẳng. Nên phát triển nhiều “Kỹ năng tiêu biểu” thay vì “Sản phẩm tiêu biểu” của quốc gia. Xây dựng thương hiệu sản phẩm không phải là giải pháp hay đối với mọi doanh nghiệp.
Thuê khoán ngoài trong các ngành sử dụng tri thức
Trong thế giới phẳng, tri thức và nhân tài trở thành một ngành kinh tế. Các công ty lớn đầu tư R&D vào Trung Quốc, Ấn Độ không phải vì thị trường lớn (như cách đây 10 năm) mà vì nguồn nhân công tri thức dồi dào. Làn sóng thuê khoán ngoài trong các ngành sử dụng tri thức (knowledge process outsourcing-KPO) là không thể ngăn cản. Mỹ ngày càng phụ thuộc vào KPO. Nếu hợp đồng KPO về IT giữa Boeing với các công ty Ấn Độ bị phá vỡ, Boeing sẽ bị thiệt hại hơn nhiều so với đối tác.
Việt Nam có thể khai thác khả năng làm KPO, làm R&D cho thế giới. Việc Singapore cho du học sinh Việt Nam vay tiền học đại học ở nước họ, rồi thu lãi bằng cách giữ họ lại làm việc cho thấy: người Việt có thể làm được R&D trong khu vực nếu được đào tạo phù hợp!
Quan điểm cho rằng Việt Nam "thừa thầy thiếu thợ" đúng khi ta "đóng", vì ta đào tạo chỉ cho ta dùng; nhưng sai khi ta "mở" (nếu "thầy" có khả năng làm KPO cho nước ngoài).
Lưu ý công nghệ “mềm”, công nghệ quản lý chuỗi cung ứng
Đầu tư công nghệ đem lại giá trị gia tăng lớn nhất. DN Việt ít đầu tư công nghệ một phần vì họ ít biết về Công-Nghệ. Vì vậy, cần phổ cập công nghệ cho DN, đặc biệt là các DN mới thành lập (start-up) và DN nhỏ và vừa. Các DN đều có thể khai thác Internet cho sản xuất - kinh doanh, giải mã chuỗi cung ứng của sản phẩm mình quan tâm, tìm hiểu công nghệ cần có để cạnh tranh...
Cần nghiên cứu công nghệ trong một chuỗi nhất địng. Không chỉ mua một nhà máy giấy, mà phải “mua” cả mạng lưới cung cấp nguyên liệu, các công nghiệp hỗ trợ, các kết nối của nhà máy đó trong chuỗi cung ứng.
Hiện nay, ngay cả đối với các nước phát triển, ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn phát minh công nghệ. Năng suất lao động không tăng ngay sau khi phát minh ra điện mà cần một thời gian dài để tìm ra các ứng dụng.
Phát minh công nghệ không hiệu quả bằng phổ cập ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp tư nhân.
Cần lưu ý đến công nghệ của các công đoạn “mềm”, các công nghệ quản lý, các liên kết phi vật thể của quá trình công nghiệp. Cái khó là không dễ dàng “mua” các liên kết này và cũng không thể dùng biện pháp hành chính để “đẻ” ra nó. Nhà nước cần phát động doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ (innovation), tái kiến trúc toàn bộ quá trình sản xuất - kinh doanh trong khuôn khổ của Hệ thống Sáng tạo quốc gia (National Innovation System - NIS).
Không giới hạn ở các nguyên liệu, sản phẩm truyền thống
Số sản phẩm của Việt Nam vô cùng nhỏ so với số sản phẩm của thế giới. Nếu ta chỉ sử dụng các nguyên liệu địa phương để sản xuất cho ta dùng là đã bỏ qua rất nhiều cơ hội. Trên thực tế, làm cái rẻ để dùng không lợi bằng làm cái đắt để bán. Các chương trình sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, hay cái gọi là lợi thế nhân công giá rẻ... chính là những cái bẫy. Quảng Đông mua than của Việt Nam, sản xuất điện rồi bán điện lại cho Việt Nam là vì họ biết mua cái rẻ nhất và làm cái bán đắt nhất. Phở “Thìn”, cà phê “Giảng” đầu ngõ ngon hơn Phở 24, cà phê Trung Nguyên song không bao giờ lãi bằng. Sự khác biệt ở đây là ở đây là: phở "Thìn", cà phê "Giảng" chỉ bán cho khoảng dăm chục khách quen; còn Phở 24, cà phê Trung Nguyên thì bán cho hàng triệu người ở nhiều nước.
Đinh Thế Phong
phamvuhoang- Tốt nghiệp Đại học
- Tổng số bài gửi : 224
Registration date : 28/10/2007
Similar topics
» Gửi email: "Cc:" và "Bcc:" có nghĩa gì ?
» Chút suy tư trong ngày
» hỏi về các công việc trong sân bay
» Những giá trị trong cuộc sống
» Khi bạn mắc lỗi trong công việc
» Chút suy tư trong ngày
» hỏi về các công việc trong sân bay
» Những giá trị trong cuộc sống
» Khi bạn mắc lỗi trong công việc
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết