Noibai Online
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Vài Điều Cần Biết Khi Đi Máy Bay

Go down

Vài Điều Cần Biết Khi Đi Máy Bay Empty Vài Điều Cần Biết Khi Đi Máy Bay

Bài gửi  phamvuhoang 2/10/2008, 22:14

Mặc dù những bực mình vì thủ tục an ninh phi trường, chậm trễ giờ tới giờ đi, giá vé ngày một cao, nhưng di chuyển bằng máy bay vẫn là phương tiện rất phổ thông vì an toàn và tiện lợi, nhanh chóng.
Tuy nhiên, dù bay xa hoặc bay gần cũng có mấy điều liên quan tới sức khỏe, bệnh tật mà mọi người cần lưu ý. Tại một vài quốc gia, như Hoa Kỳ, đã có những quy luật nhằm bảo vệ hành khách và người có bệnh, khi họ sử dụng đường hàng không.
Trước hết là khi đang có bệnh kinh niên, nên hỏi ý kiến bác sĩ coi xem có an toàn hay không khi di chuyển bằng phi cơ.
Sau đây là một số vấn đề cần biết:

A- Máu cục tĩnh mạch

Dư luận thường than phiền, để tăng thu lợi nhuận, các hãng máy bay đều thu hẹp ghế và khoảng trống nơi để chân để xếp được nhiều ghế hơn ở khoang hạng nhì. Ngồi bó gối như cá mòi trong hộp, không có chỗ cọ quậy, có thể làm nẩy sinh ra một rối loạn cho hành khách, đó là sự “máu cục tĩnh mạch”, tiếng Anh gọi là Deep vein thrombosis- DVT. Truyền thông báo chí còn gọi là “Hội chứng hạng vé tiết kiệm-Economy class syndrome”.
Trên góc cạnh y khoa học, chưa có bằng chứng rõ rệt về ảnh hưởng của ngồi lâu trên máy bay với máu cục tĩnh mạch. Tuy nhiên, một số người sau đây có thể có nhiều rủi bị khó khăn này:
- Đã có tiền sử bị máu cục tĩnh mạch hoặc phổi;
- Gia đình có vấn đề về sự đông máu;
- Người hay bị chứng đông máu (thrombophilia);
- Bệnh nhân ung thư hoặc đã điều trị ung thư;
- Ba tháng trước khi bay, có giải phẫu lớn hoặc thay khớp xương hông, xương đầu gối;
- Đã từng bị tai biến não;
Ngoài ra, máu cục tĩnh mạch cũng thường thấy ở phụ nữ mới sanh, đang uống thuốc ngừa thai; người hút thuốc lá; người tuổi cao, mập phì.
Rối loạn này không chỉ có thể xẩy ra cho hành khách máy bay, ở khoang hạng nhì, mà chung cho mọi di chuyển đường trường như ngồi cả mấy giờ liền trên xe hơi, tầu hỏa chật chội. Nhưng trên máy bay, không khí khô làm máu huyết dễ đóng cục hơn.
DVT thường xẩy ra ở các tĩnh mạch nằm sâu dưới bắp chân và thường thì không nguy hiểm lắm. Tuy nhiên, khi máu cục bể vỡ, một khối huyết có thể chạy lên tim, não, phổi... và gây ra thương tổn trầm trọng như cơn suy tim, tai biến não.
Dấu hiệu của máu cục là sưng, đau và có vết bầm ở bắp vế chừng vài ngày sau khi du lịch. Gặp trường hợp này, nên tới tham khảo ý kiến bác sĩ ngay.
Để phòng tránh máu cục:
- Đừng xếp hành lý ở dưới hàng ghế trước mặt, để có khoảng trống cho đôi bàn chân cử động;
- Uống thêm nước lạnh, nước trái cây để tránh khô nước;
- Tránh uống nhiều cà phê, rượu mạnh vì các thứ này làm cho tiểu tiện nhiều, mất nước cơ thể;
- Mang tất hơi bó sát bắp chân, uống thuốc viên aspirin (hỏi bác sĩ);
- Năng cử động chân như là đứng lên đi tới đi lui, khi có thể;
- Khi ngồi, nên cử động thân mình, như là nhổm mông, bắp đùi lên khỏi mặt ghế, co duỗi đầu ngón chân, cử động, lắc bắp thịt ờ bắp vế; co duỗi, chân khi ngồi, vươn vai;
Tất cả các cử động này đều có mục đích giúp máu lưu thông tốt, tránh máu đóng cục.

B- Cảm giác lung bùng, đau trong tai

Trước khi cất cánh, áp suất trong máy bay bằng áp suất ngoài trời.
Khi bắt đầu bay lên cao, áp suất trong khoang giảm tới mức độ định trước và duy trì như vậy trong suốt chuyến bay.
Khi đáp xuống, áp suất được đưa cao dần, cho tới khi máy bay chạm mặt đất thì bằng áp suất ngoài trời.
Các thay đổi này tạo ra một sai biệt giữa áp suất các khoảng trống trong cơ thể, đặc biệt là ở tai giữa và các xoang, với áp suất trong máy bay. Nhắc lại là tai giữa thông với họng qua ống Eustache.
Khi cất cánh, không khí phải được thoát khỏi tai giữa ra ngoài bằng ống Eustache và từ xoang mặt bằng mũi. Khi máy bay đáp xuống, không khí từ bên ngoài vào tai giữa và các xoang. Các diễn biến vừa kể có mục đích cân bằng áp suất tai giữa với xung quanh.
Nếu áp suất ở hai nơi này quá cao hoặc quá thấp, ta sẽ cảm thấy lùng bùng, đau trong tai và màng nhĩ có thể bị rách, nhất là khi máy bay đáp xuống phi đạo.
Rối loạn này thường xảy ra hơn nếu đang bị cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm nhiễm xoang, khi mà các ống thông tai với mũi miệng bị nghẹt, cản trở sự ra vào của không khí. Do đó, khi bị dị ứng hoặc bệnh hô hấp trầm trọng, nên hoãn chuyến bay. Và nếu khó khăn thường xuyên xẩy ra mỗi lần đi máy bay, nên đi khám bác sĩ để chữa trị nguyên nhân.
Để tạm thời giảm thiểu khó khăn này, nên há miệng, cử động xương hàm qua lại hoặc nuốt nước miếng. Làm như vậy để giải thoát nghẹt ở ống Eustache.
Nếu cách trên không công hiệu thì lấy hai ngón tay bịt lỗ mũi, khép miệng và thở ra rất mạnh bằng hai lỗ mũi bịt kín mấy lần cho tới khi nghe thấy một tiếng nổ nhỏ, thì tai hết lùng bùng.

C- Say sóng

Thường thường hành khách hay gặp say sóng (motion sickness) khi ngồi trên máy bay cánh quạt chứ ít khi với máy bay phản lực.
Để tránh khó chịu này, nên hỏi bác sĩ xem có nên uống thuốc ngừa hay không. Đồng thời có thể áp dụng các biện pháp như sau:
- Lấy chỗ ngồi phía trên cánh máy bay, ít bị chao đảo;
- Lựa máy bay loại lớn;
- Lựa chỗ ngồi cạnh cửa sổ có thể nhìn ra ngoài;
- Hướng gió mát máy lạnh về phía mặt;
- Giảm thiểu thức ăn nước uống có nhiều hơi;
- Tránh uống rượu 24 giờ trước khi bay.

D- Lây lan bệnh nhiễm

Trên máy bay, không khí đều được điều chỉnh, thanh lọc để giảm thiểu mùi hôi cũng như loại trừ vi sinh vật gây bệnh.
Không khí trong khoang máy bay là một hỗn hợp 50% không khí từ bên ngoài và 50% không khí trong máy bay đã được đưa vào hệ thống lọc rất cao hiệu năng, tương tự như hệ thống lọc không khí tại phòng giải phẫu ở bệnh viện.
Hỗn hợp không khí được thay đổi từ 20-30 lần trong một giờ, nhờ đó không khí nơi đây cũng tốt không kém không khí trong văn phòng hoặc tại các trung tâm thương mại.
Theo giới chức y tế hữu trách, sự lây lan bệnh thường xẩy ra khi ngồi kế sát người bệnh, hít phải vi khuẩn do người này nhả ra khi ho, nói hoặc hắt hơi sổ mũi. Ít khi có lây nhiễm do vi sinh vật bay trong không khí, ví chúng đều bị giữ lại ở hệ thống thanh lọc không khí chung cho cả máy bay và hệ thống thanh lọc đặt gần hàng ghế.
Tuy nhiên, với bệnh lây lan mạnh như bệnh lao, cúm, SARS sự lây bệnh có thể xảy ra. Người bệnh nên cho nhân viên phi hành biết để áp dụng các biện pháp thích hợp, bảo vệ khách hàng.

Đ- Cấp cứu trên máy bay

Trên mỗi máy bay, đều có một hộp cấp cứu y tế. Trong hộp có máy đo huyết áp, ống nghe khám bệnh, vài ống chích và kim chích thuốc, một cặp bao tay cao su.
Về thuốc thì có 50ml nước biển dextrose chích, 10 viên Nitroglycerin cho bệnh đau nhói tim (angina), hai ống Benadryl, 2 ống Epinephrine 1:1000 cấp cứu dị ứng.
Trong thời gian bay, hộp cấp cứu chỉ được mở khi phi hành đoàn tìm được nhân viên y tế có khả năng chuyên môn trên máy bay, hoặc sau khi tiếp xúc với nhân viên y tế tại bản doanh công ty hàng không.
Dưỡng khí cũng được dự trữ với lượng rất ít trên máy bay cho trường hợp khẩn cấp. Một vài công ty nhận cung cấp oxy vì hành khách không được mang dưỡng khí mua riêng.

E- Một số trường hợp riêng

Sau đây là một số trường hợp cần lưu ý:

1- Bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng thì ba tuần sau khi lành bệnh, có thể bay được. Huyết áp cao, không kiềm chế được thì nên hạn chế bay.
2- Bị tiểu đường, nhất là loại 1, phụ thuộc vào thuốc Insulin, và di chuyển qua nhiều múi giờ, thì nên cẩn thận. Mang Insulin nhiều hơn nhu cầu một chút, giữ trong tủ lạnh, với kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin tùy theo lượng đường trong máu.
Kinh nghiệm nhắc ta cho dễ nhớ là khi di chuyển về hướng Đông, ngày ngắn đi thì số lượng Insulin cần cũng ít đi. Còn đi về phương Tây thì ngày dài, Insulin cần tăng chút đỉnh. Nhưng nhớ đo đường huyết theo lịch trình định sẵn.
3- Nếu mắc chứng kinh phong, nên tăng thuốc một chút để tránh lên cơn bất tử trong thời gian bay.
4- Bị bệnh tâm trí, nên uống viên thuốc an thần, cữ rượu.
5- Khi bị bệnh thiếu máu nặng, nên trì hoãn bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng khí để thở.
6- Mới giải phẫu ghép nối động mạch tim mà không có biến chứng, cũng nên đợi hai tuần lễ cho an toàn. Các giải phẫu khác ở bụng, ngực... nên đợi lành hẳn vết mổ, không biến chứng, đại tiểu tiện thông suốt, trước khi bay.
7- Lưu ý về mắt
Thay đổi áp suất trong máy bay và không khí khô có thể ảnh hưởng tới mắt vừa mới được điều trị vì cườm mắt, thay ghép thủy tinh thể. Do đó, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bay. Bệnh nhân mới mổ vì cao áp nhãn có thể bay nếu đang dùng thuốc do bác sĩ chỉ định.
Người hay bị khô mắt nên mang theo nước mắt nhân tạo, đặc biệt là những ai mang kính áp tròng hoặc bị viêm ngứa mắt.
8- Có thai
Nếu đang có thai thì nên cẩn thận.
Một vài hãng máy bay yêu cầu có giấy chứng nhận của bác sĩ là ngày khai hoa nở nhụy không xẩy ra trong vòng 4 tuần, khi bay ngoại địa. Còn nội địa thì 7 ngày trước khi sanh vẫn được bay. Lý do chính là họ ngại sanh đẻ trên máy bay, rắc rối, chứ việc bay không có ảnh hưởng xấu gì cho thai mẫu, thai nhi.
Trên đây chỉ là những kiến thức căn bản để quý thân hữu xem cho biết. Đề nghị quý thân hữu tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi du lịch, nếu có bất cứ bệnh tật nào.

Ngoài ra:

- Khi đặt mua vé, nên lựa hàng ghế bên ngoài để đứng lên ngồi xuống dễ dàng, có khoảng trống ở một phía để ngả nghiêng thân mình;
- Uống nhiều nước 10 phút trước khi bay để tránh thiếu nước cơ thể, vì không khí trong lòng máy bay rất khô;
- Mang ống nghe nhạc vì ống nghe của hãng không vừa với tai và cũng vì đã được dùng rồi, nên có thể bị nhiễm trùng, dù đã được chùi lau;
- Mang theo máy nghe nhạc, mấy tờ báo, vài cuốn sách dễ đọc để tiêu khiển qua thời gian;
- Nên mang tất cả thuốc men trong hành lý xách tay và trong chai lọ nguyên thủy với tên thuốc, cách dùng và tên bác sĩ biên toa;
- Mua thêm bảo hiểm sức khỏe để phòng khi cấp cứu thì có sẵn.

Kính chúc “THƯỢNG LỘ BÌNH AN”, đi tới nơi, về tới chốn.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
phamvuhoang
phamvuhoang
Tốt nghiệp Đại học

Tổng số bài gửi : 224
Registration date : 28/10/2007

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết