Noibai Online
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Thông điệp của lạm phát

Go down

Thông điệp của lạm phát Empty Thông điệp của lạm phát

Bài gửi  phamvuhoang 4/11/2007, 22:29

Dù Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát mà giá cả vẫn tiếp tục leo thang. Nhưng không vì thế mà chúng ta hoang mang. Các biện pháp tài chính vĩ mô lúc nào cũng cần một khoảng thời gian nhất định mới phát huy tác dụng. Và về căn bản, chúng ta hoàn toàn tin tưởng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát, hay nói chính xác hơn là khó có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, cái vỗ vai nhẹ nhàng của anh bạn lạm phát lần này lại giúp chúng ta nhận ra nhiều điều.


Điều thứ nhất, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn quá yếu. Bằng chứng, cùng chịu chung áp lực biến động giá trên thị trường thế giới, nhưng 5 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng ở các nước trong khu vực tăng không đáng kể: Thái Lan – 1,7%, Malaysia – 2,2%, Indonesia – 1,8%, Trung Quốc – 2,9%, trong khi con số này ở ta là – 6,19%.1 Có nghĩa khả năng cạnh tranh của ta kém xa các nước láng giềng. Cụ thể là ở đâu? Dễ nhận thấy nhất là ở hiệu quả sản xuất. Trong khi những yếu tố lợi thế như lao động rẻ hay giá năng lượng thấp vẫn chưa được khai thác triệt để thì các chi phí khác lại quá cao. Nhiều chi phí cao đến mức phi lý như: chi phí thuê đất, chi phí vận tải, đặc biệt là các chi phí “bôi trơn”; công nghệ sản xuất thì lạc hậu (đi sau so các nước trong khu vực khoảng chừng 20-30 năm); cơ sở hạ tầng còn yếu, nền công nghiệp lệ thuộc gần như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu... cộng thêm với năng lực quản lý còn yếu, quan liêu, tham nhũng (đặc biệt ở các DNNN). Tất cả đã đẩy giá thành các sản phẩm trong nước lên tới mức trần, có nghĩa là không còn khoảng trống an toàn để dự phòng về giá. Chính vì vậy, khi một yếu tố sản xuất nào đó thay đổi, ngay lập tức tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Sản xuất với tình trạng lúc nào cũng căng dây cót về giá như thế thử hỏi làm gì còn sức để tăng cường năng lực cạnh tranh.
Điều thứ hai, nền kinh tế Việt Nam không năng động như chúng ta nghĩ. Chỉ nhìn vào phản ứng của các chủ thể kinh tế cơ bản sẽ thấy ngay. Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát lạm phát, trước lượng tiền đầu tư nước ngoài tăng hơn dự kiến (7 tỷ USD trong 6 tháng) đã tỏ ra bối rối. Khi một quốc gia được các nhà đầu tư “ưu ái” bơm tiền - đó là cơ hội lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để hấp thụ lượng tiền này, biến nó thành sản phẩm, thành giá trị gia tăng thúc đẩy kinh tế phát triển, chứ ra sức mua vào để cất thì còn nói làm gì (?). Các doanh nghiệp cũng vậy, trước áp lực lạm phát, vẫn giữ một chiêu duy nhất – tăng giá bán, khá hơn một chút là thực hành tiết kiệm. Ít ai nghĩ đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua tái cấu trúc tổ chức, đầu tư đổi mới công nghệ hoặc ít ra cải tổ qui trình quản lý. Đã vào chợ WTO rồi mà vẫn nặng nề tư tưởng – tát nước theo mưa – giá đầu vào tăng 1, lập tức đội giá đầu ra lên 1,5. Tội vạ đâu đã có khách hàng chịu. Làm ăn như thế thử hỏi làm sao có thể trụ vững ngay trên sân nhà chứ đừng nói gì là sân khách.
Điều thứ ba, hình như anh chàng lạm phát lần này muốn nhắc khéo chúng ta: hãy coi chừng, mô hình phát triển kinh tế của bạn đang có vấn đề. Vấn đề gì? Kinh tế của ta tăng trưởng liên tục cả chục năm nay, tự hào và mạnh mẽ, thế và lực của đất nước trên trường quốc tế ngày một lên, làm sao có vấn đề được?
Xin hãy bình tĩnh một chút, hình như tăng trưởng của chúng ta lâu nay chủ yếu dựa vào xuất khẩu, với giá trị hiện nay đã xấp xỉ 60% GDP. Tất cả ưu tiên cho xuất khẩu từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến chính sách tỷ giá. Bối cảnh này làm ta nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Á cách đây đúng 10 năm. Khi đó, mô hình kinh tế của các nước Đông Á về cơ bản là giống ta bây giờ, cũng được xây dựng theo lý thuyết của chủ nghĩa trọng tiền hiện đại (monetarism) với hai điểm đặc biệt: sản xuất tập trung chủ yếu vào xuất khẩu và đồng tiền quốc gia được gắn chặt vào đồng USD. Lịch sử đã chứng minh mô hình phát triển kiểu này không bền vững tý nào. Dĩ nhiên còn quá sớm khi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam, nhưng cảnh báo thì không bao giờ thừa.
Đã vậy, ở ta hiện nay đang tồn tại một nghịch lý. Theo tỷ giá, Việt Nam đồng đang mất giá so với USD. Và trên thế giới đồng USD lại đang mất giá so với những đồng ngoại tệ mạnh khác. Giữ được tỷ giá VND thấp, xuất khẩu sẽ có lợi, nhưng đổi lại khu vực nhập khẩu phải chịu áp lực nặng nề. Trong khi chúng ta đang nhập siêu, mà lại nhập siêu nguyên, nhiên liệu để phục vụ sản xuất. Nên trừ những ngành xuất khẩu, các ngành khác còn lại đều phải chịu chung áp lực lạm phát. Mà người chịu trận cuối cùng là ai? Không ai khác ngoài người tiêu dùng. Và nếu để tình trạng như thế kéo dài, chắc chắn đời sống người dân, đặc biệt là bà con nông dân sẽ ngày một khó khăn hơn. Vậy chẳng hóa ra, chúng ta càng tăng trưởng, đời sống của người dân sẽ càng vất vả? Cho nên giữ được chính sách tỷ giá như hiện nay là rất tốt, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng nếu ta phá vỡ được sự lệ thuộc quá thái vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu, nâng cao được hiệu quả sản xuất và phát triển mạnh mẽ sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa. Cần phải nhận thức rõ rằng, trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, tỷ giá hối đoái không ảnh hưởng nhiều đến sức mua của tiền đồng. Cho dù chúng ta có trả lại cho tiền đồng giá trị thực (đắt hơn giá trị hối đoái hiện nay) thì sức mua của tiền đồng cũng không hề tăng lên, mà lúc đó, chúng ta sẽ vướng vào ma trận tỷ giá - lạm phát, như một số nước đang mắc phải. Nga là một ví dụ. Mấy năm gần đây, đồng Rúp liên tục tăng giá so với USD, nhưng sức mua thực của đồng tiền này trên thị trường trong nước không hề tăng mà lại liên tục giảm. Chắc các bạn cũng biết, chính phủ Nga đã vất vả như thế nào để giữ được mức lạm phát không vượt quá hai con số.
Vậy phải làm gì đây? Thực ra, cách giải bài toán phát triển mà ta đang mắc phải hiện nay, đã được nhà kinh tế Mỹ Paul Krugman (MIT) đưa ra 13 năm trước. Năm 1994, rất lâu trước thềm khủng hoảng tài chính 1997, Krugman đã đưa ra lời cảnh báo về sự thật của các “thần kỳ kinh tế Đông Á”. Ông ta cho rằng, tăng trưởng kinh tế nhờ “bơm” nguồn vốn đầu tư không mệt mỏi từ bên ngoài mà không tạo được những bước tiến thực chất trong sản xuất cũng như nâng cao năng suất sản xuất tổng hợp thì khó có thể mang lại sự thịnh vượng lâu dài.2 (Paul Krugman). Các nước Đông Á lúc đó có nghe điều đó nhưng không mấy để tâm. Hậu quả thế nào thì ai cũng rõ. Còn chúng ta hôm nay thì sao?
phamvuhoang
phamvuhoang
Tốt nghiệp Đại học

Tổng số bài gửi : 224
Registration date : 28/10/2007

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết