Noibai Online
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung

2 posters

Go down

Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung Empty Re: Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung

Bài gửi  kanehoshi 8/10/2008, 15:43

Nguyễn Thành Trung với chuyến bay đưa Thủ tướng sang Mỹ

"Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Mỹ, nhiều người Mỹ muốn biết điều khiển chuyến bay là phi hành đoàn nước nào. Tôi rất tự hào khi giới thiệu phi hành đoàn "made in Việt Nam". Lúc đó, tôi có cảm giác như một sứ giả hòa bình", Cơ trưởng Nguyễn Thành Trung tâm sự với VnE sau chuyến bay đưa Thủ tướng sang Mỹ.

- Cảnh thường thấy trên các chuyến bay chở nguyên thủ quốc gia các nước là lực lượng an ninh dày đặc, còn chuyến bay này của ta thì sao thưa ông?

- Chúng tôi không đưa lực lượng an ninh theo máy bay. Thực tế chỉ có 1 nhân viên an ninh trên máy bay. Còn trong thời gian thăm Mỹ, đoàn luôn có 9 nhân viên FBI của Mỹ đi theo để bảo đảm an ninh. Điều đó cho thấy chúng ta rất tin tưởng vào công tác an ninh của nước bạn.

- Với lịch công tác dày đặc của đoàn, đội bay chắc "dễ thở" trong thời gian Thủ tướng làm việc?

- Ngược lại. Thông thường trước một lần bay, phi hành đoàn mất 5 tiếng đồng hồ chuẩn bị trước khi cất cánh và 3 giờ kiểm tra, "chăm sóc" lại sau khi hạ cánh. Cùng với chuyến bay mà chúng tôi gọi thân mật là "phân nửa Chính phủ và 100 thương nhân" này là 30 tấn hàng hóa các loại. Do đó trước khi cất cánh, phi hành đoàn phải đưa tất cả hàng hóa lên máy bay, rồi đổ xăng dầu, đưa thức ăn, kiểm tra an ninh... Công việc này mất khoảng 5 giờ đồng hồ.

Khi máy bay hạ cánh ở sân bay và trả "khách" an toàn, phải mất 3 tiếng đồng hồ nữa chuẩn bị cho các công việc như vệ sinh máy bay; đưa thức ăn cũ xuống, sửa, sấy; đặt hàng cho chuyến tới gồm xin giấy phép bay, báo kế hoạch bay... Cùng lúc đó, bộ phận kỹ thuật có nhiệm vụ kiểm tra phi cơ sau chuyến bay, kéo đi chỗ khác, đặt nhiên liệu, đưa hàng xuống. Cuối cùng là đóng cửa máy bay và niêm phong cửa, giao máy bay cho lực lượng an ninh sân bay giữ.

Anh hùng quân đội, đại tá Nguyễn Thành Trung sinh năm 1947, có 35 năm kinh nghiệm trong nghề phi công. Tổng cộng số giờ bay là 22.000 giờ. Hiện ông là Phó tổng giám đốc đào tạo lực lượng và an toàn an ninh của Hàng không Việt Nam; cơ trưởng máy bay Boeing 777 và là giáo viên dạy lái loại máy bay này.
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho chuyến đi của Thủ tướng, công tác chuẩn bị trong từng khâu được tiến hành hết sức tỷ mỷ, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

- Trong chuyến đi của Thủ tướng, Việt Nam đã ký với hãng Boeing để mua 4 chiếc máy bay Boeing 787. Ông có thể kể về sự kiện này?

- Đây là sự kiện quan trọng của ngành nên tôi cũng được có mặt. Thực ra máy bay Boeing 787 hiện nay chỉ mới là thiết kế chứ chưa có sản phẩm, Việt Nam là khách hàng thứ 3 đặt mua loại máy bay này. Đây là loại máy bay ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, chở dưới 300 khách, theo xu hướng của máy bay Mỹ là chở ít khách. Xu hướng này ngược lại với quan điểm châu Âu chú trọng chế tạo máy bay lớn. So với các loại máy bay hiện có, chiếc Boeing 787 rất nhẹ do sử dụng phần lớn nguyên liệu từ Composite để chế tạo vỏ máy bay, nhờ vậy máy bay có thể bay được rất xa và tiết kiệm lượng nhiên liệu tiêu thụ đến 20%.

Dự kiến năm 2008, phía VN mới được chứng kiến chuyến bay thử đầu tiên của Boeing 787. Năm 2009, chúng ta sẽ nhận chiếc máy bay 787 đầu tiên.

- Chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng được coi là chuyến đi lịch sử trong quan hệ hai nước. Với tư cách là cơ trưởng, ông thấy chuyến đi này có những gì đáng nhớ?

- Trong chuyến thăm dài 13 ngày vừa qua của Thủ tướng, phi hành đoàn đã bay tổng cộng 44 giờ trên không với đường bay dài 36.000 km, 24 lần cất cánh hạ cánh. Trong đó, chuyến bay dài nhất là từ Toronto (Canada) đến Tokyo (Nhật) mất 14 tiếng đồng hồ không nghỉ, phi hành đoàn đã phải dùng 108 tấn dầu cho riêng chuyến bay này. Đây cũng là chuyến bay dài đầu tiên của lịch sử hàng không Việt Nam. Trên nguyên tắc, một giờ bay tốn mất 7 tấn nhiên liệu (xăng dầu), như vậy có thể tính được tổng nhiên liệu dùng cho 44 giờ bay là 308 tấn.

Chuyến bay phát xuất từ sân bay Nội Bài, hạ cánh sân bay Tokyo để lấy dầu và bay thẳng sang Seattle. Sau khi Thủ tướng làm việc với thị trưởng thành phố này, hãng Boeing, Microsotf, đoàn bay từ Seattle sang Washington trong 5 tiếng đồng hồ để Thủ tướng gặp Tổng thống Bush. Từ Washington sang NewYork, do sân bay NewYork không cho phép máy bay đậu qua đêm nên đưa đoàn xuống xong chúng tôi lại phải bay về sân bay Wahshington nghỉ, sáng hôm sau trở lại chở đoàn đi Boston. Từ đây, chúng tôi bay sang thủ đô Ottawa của Canada, sau đó đi Quebec, Toronto và quá cảnh sân bay Tokyo. Chuyến bay về đến sân bay Nội Bài lúc 24h15 phút ngày 1/7, kết thúc an toàn một chuyến bay lịch sử.
(Theo_VnExpress.net)
kanehoshi
kanehoshi
Lớp 6
Lớp 6

Tổng số bài gửi : 43
Registration date : 29/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung Empty Re: Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung

Bài gửi  kanehoshi 8/10/2008, 15:40

Trận đánh của Phi đội Quyết thắng sử dụng máy bay A-37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 28/4/1975.

Sau sự kiện ngày 8/4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung lái máy bay F- 5E ném bom Dinh Độc lập, sau đó hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long trong vùng giải phóng. Qua phi công Nguyễn Thành Trung, ta biết thêm về một số tình hình cụ thể về lực lượng không
quân nguỵ Sài Gòn.

Ngày 19/4/1975, Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia chiến dịch. Đảng uỷ Bộ tư lệnh Phòng không- Không quân quyết định sử dụng máy bay thu được của địch đánh địch và giao cho Bộ tư lệnh Không quân gấp rút tổ chức, thực hiện.

Bộ tư lệnh Sư đoàn Không quân 371, được giao nhiệm vụ này. Ngay trong ngày 19/ 4/1975, Phi đội 4 Trung đoàn 923, đã lựa chọn được một số phi công. Các phi công từ sân bay Thọ Xuân bay ra Hà Nội. Ngày 20/4/1975, phi công Từ Đễ và Mai Xuân Vượng cùng 6 máy bay thợ lái từ Hà Nội đi máy bay IL-18 vào sân bay Đà Nẵng. Tại đây, đồng chí Hồ Thanh Minh và cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã kiểm tra toàn bộ số máy bay ta thu được của địch tranh thủ cả ngày lẫn đêm sửa chữa, khôi phục được một máy bay A-37. Đồng chí Trần Mạnh và Phạm Ngọc Lan trực tiếp xây dựng kế hoạch huấn luyện phi công chuyển loại. Ngày 21/4, phi công Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng đi máy bay ML6 vào Đà Nẵng.

Sau khi chiếc máy bay A-37 được khôi phục, đồng chí Phạm Ngọc Lan hướng dẫn phi công nghiên cứu lý thuyết, kỹ thuật. Cùng lúc Quân chủng Phòng không- Không quân cho 2 phi công và một số thợ máy của không quân nguỵ tham gia hướng dẫn phi công ta sử dụng lái máy bay A-37. Ngày 22/4, sau hai ngày học tập, các phi công lần lượt bay thử thành công.

Ngày 25/4/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng- Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh điện cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị “ Cho không quân ta dùng máy bay vừa lấy được của địch ném bom vào sào huyệt quân nguỵ Sài Gòn ngày 28/ 4, chỉ đánh ngày này, chậm nữa không được”.

Ngay lập tức, chiều ngày 25/ 4, Cục Tác chiến chuyển điện cho đồng chí Lê Văn Tri “Đúng 8 giờ sáng ngày 26/4 lên chỉ huy sở Bộ Quốc phòng nhận nhiệm vụ của anh Văn giao”. Tại Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi đồng chí Lê Văn Tri: “ Hiện ta thu được bao nhiêu máy bay A-37 của địch, có sử dụng được không?”. Đồng chí Lê Văn Tri báo cáo: Thưa Đại tướng, tại Đà Nẵng có một chiếc, phi công ta đang tập học chuyển loại, còn tại sân bay Phù Cát - Bình Định còn 5 chiếc nguyên vẹn, chưa cho bay thử. Đại tướng vui mừng cho biết Bộ Chính trị đồng ý cho không quân ném bom xuống sào huyệt của địch nhưng phải sử dụng chính những máy bay thu được của địch.

Chiều ngày 26/4/1975, đồng chí Lê Văn Tri nhận được điện của Đà Nẵng báo ra: “Đồng chí Văn Tiến Dũng đã cho phi công Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng”. Tiếp đó đồng chí Lê Văn Tri đề nghị với Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Cho đồng chí Hoàng Ngọc Diêu- Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân hiện đang ở Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975 ra sân bay Thành Sơn để tôi nói rõ ý định”.

Một cuộc hội ý chớp nhoáng trong lãnh đạo quân chủng. Đồng chí Lê Văn Tri được Quân chủng giao cho nhiệm vụ trực tiếp tổ chức chỉ huy trận đánh. Đồng chí Lê Văn Tri và đồng chí Trần Hanh đi máy bay AN- 24 vào gấp Đà Nẵng. Cùng ngày 26/4, Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh điều Nguyễn Thành Trung từ Phước Long ra Đà Nẵng tăng cường cho phi đội.

Đúng 12 giờ 45 phút ngày 27/4/1975, theo chỉ thị của Bộ tư lênh Quân chủng Phòng không- Không quân, toàn phi đội chuyển vào sân bay Phù Cát - Bình Định. Hai phi công Mai Xuân Vượng và Nguyễn Thành Trung lái máy bay A-37. Các phi công khác đi bằng máy bay AN-24. Tại sân bay Phù Cát, cán bộ kỹ thuật và thợ máy giao cho phi đội 4 máy bay A-37 để sử dụng tập luyện khoa mục chiến đấu.

Phi đội chiến đấu được thành lập lấy tên là “ Phi đội Quyết thắng”. gồm các phi công: Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Mai Xuân Vượng, Hán Văn Quảng và Nguyễn Văn On. Nguyễn Văn On là phi công của không quân nguỵ. Phi công Nguyễn Văn Lục được phân công chỉ huy. Đài chỉ huy đặt ở sân bay Thành Sơn - Phan Rang. 9 giờ 30 phút ngày 28/4, Phi đội Quyết thắng rời sân bay Phù Cát, sau một giờ hạ cánh xuống sân bay Thành Sơn.

Trong khi phi công nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến bay chiến đấu, thợ máy khẩn trương kiểm tra kỹ thuật, lắp cho máy bay mỗi chiếc 4 quả bom 500 bảng, hai quả bom phá 250 bẳng và 4 thùng dầu phụ. 13 giờ cùng ngày, trong sở chỉ huy ở sân bay Thành Sơn, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri cùng các đòng chí trong Bộ tư lệnh quân chủng nghiên cứu những mục tiêu tiến công. Cây chì đỏ trong tay đồng chí tư lệnh khoanh những vòng tròn chỗ đỗ máy bay chiến đấu, kho vũ khí, đường băng của không quân nguỵ ở phía tây sân bay Tân Sơn Nhất. 14 giờ 30 phút cùng ngày, phi đội Quyết thắng được triệu tập để nhận mệnh lệnh chiến đấu tại sở chỉ huy.

Căn phòng của sở chỉ huy được chuẩn bị rất trang nghiêm có cờ Tổ quốc , ảnh Bác Hồ và một lọ hoa tươi. Đồng chí Lê Văn Tri- Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội, có sự có mặt của các đồng chí Trần Mạnh, Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị (Bộ tư lệnh Không quân). Tất cả mọi người chỉnh tề trong bộ đồ bay với tư thế sẵn sàng ra trận.

Mục tiêu oanh tạc của phi đội là khu vực để máy bay chiến đấu, đường băng, khu để bom đạn của không quân nguỵ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ý định của Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh phải đánh trúng, gây tiếng nổ liên tiếp, làm sao cho cột khói bốc cao để làm ám hiệu phối hợp với các đơn vị tiến công và quần chúng nổi dậy. Đánh vào mục tiêu này là một đòn rất hiểm, nhất là lúc Mỹ nguỵ chỉ còn đường hàng không duy nhất để di tản. Nếu đánh trúng, có sức phá hoại lớn gây được tiếng nổ lớn, cột khói bốc lên cao sẽ là hiệu lệnh tấn công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Ngoài việc thực hiện ném bom xuống mục tiêu, một điều tối quan trọng đối với phi đội là phải đảm bảo an toàn cho nhân dân và hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta đang ở Trại Đa Vít - Tân Sơn Nhất.

Thay mặt cho toàn phi đội, phi công Nguyễn Thành Trung hứa với Quân chủng thực hiện nghiêm mệnh lệnh, bảo đảm bí mật, bất ngờ, công kích mãnh liệt, chính xác, trở về an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, phi đội thảo luận tác chiến, phân công vị trí bay trong đội hình, tổ chức hiệp đồng, dự kiến tình huống, cách xử trí. Theo kế hoạch đường bay của phi đội được tính toán và lựa chọn đảm bảo bí mật, bất ngờ đối với địch, tránh hoả lực phòng không của ta. Đường bay theo hướng Vũng Tàu rồi từ Vũng Tàu vòng về Sài Gòn. Nguyễn Thành Trung thuộc địa hình được phân công bay trước dẫn đường. Các phi công khác bay trong đội hình theo cự l đã định, bảo đảm canh gác, cảnh giới, có công kích, có yểm hộ. Một số tình huống được dự kiến xử lý như sau: Nếu gặp máy bay tiêm kích địch, ba phi công bay trước sẽ hạ độ cao vào công kích mục tiêu, hai phi công sau vứt bom đánh chặn. Trong quá trình bay, tất cả các phi công phải dùng vô tuyến đối không để đảm bảo bí mật.Trên đường bay nếu máy bay hỏng nhẹ tiếp tục bám đội hình chiến đấu. Nếu máy bay hỏng nặng thì hạ cánh bắt buộc.

Tiếp đó các thợ máy hướng dẫn phi đội nhận máy bay. Các đồng chí lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân chủng và Bộ tư lệnh Không quân xem xét lại máy bay, kiểm tra công việc chuẩn bị của từng phi công và cho phi đội vào cấp 1.

16 giờ 15 phút ngày 28/4/1975, sỹ quan trực chỉ huy trên đài chỉ huy sân bay Thành Sơn bắn hai phát pháo hiệu cho phép phi đội cất cánh. Giây phút mong đợi của toàn phi đội đã đến. Tất cả lần lượt mở máy cho máy bay lăn ra đường băng, 5 chiếc máy bay A-37 lao lên bầu trời.Lên đến độ cao quy định 5.500 Foot, phi đội tập hợp đội hình: Nguyễn Thành Trung bay (số 1), Từ Đễ (số 2), Nguyễn Văn Lục (số 3), Mai Xuân Vượng (số 4). Cùng bay với Mai Xuân Vượng có Nguyễn Văn On và Hán Văn Quảng ( số 5) . Tất cả phi đội bay vút về phía Nam. Qua Phan Thiết, do trời nhiều mây, phi đội hạ độ cao ( 600-900 foot), tốc độ 230 dặm một giờ. đến điểm cao 2.858 ( Bắc Hàm Tân 17 km) sở chỉ huy cho phi đội điều chính hướng bay, tăng độ cao để tiếp cận mục tiêu. Qua sông Nhà Bè khoảng 30 giây, các phi công đã nhìn rõ sân bay Tân Sơn Nhất. Nguyễn Văn Lục phát hiện hai máy bay AH-1H (AD-6) ở độ cao 500-600 foot bay về hướng Biên Hoà nhưng chúng không phát hiện được phi đội vì máy bay A-37 bay cao hơn nên phi đội vẫn giữ nguyên đội hình. Nguyễn Thành Trung nhắc: “ Mục tiêu bên trái phía trước, kiểm tra công tác cảnh giới”. lên độ cao 5.500 foot, phi đội kéo dài đội hình, chiếc sau cách chiếc trước 1.500- 2.000 mét, chuẩn bị công kích.. Các phi công còn nghe rõ tiếng hỏi dồn dập của địch ở Sở chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất “A-37 của không đoàn nào? A-37 của phi đoàn nào?".

Từ độ cao 5.500 foot, Nguyễn Thành Trung và Từ Đễ bổ nhào xuống mục tiêu, đến độ cao 1.500 foot thì cắt bom. Từ Đễ vừa ấn nút phóng bom vừa trả lời “ Máy bay của Mỹ đây”. Đúng là máy bay của Mỹ thật nhưng quân nguỵ nào có ngờ được quân giải phóng vừa mới thu được làm sao có thể dội bão lửa xuống đầu chúng nhanh thế được. Sau loạt bom, khói lửa trùm lên khu vực máy bay địch đang đỗ. Nguyễn Văn Lục, Mai Xuân Vượng, Nguyễn Văn On và Hán Văn Quảng cũng lần lượt vào công kích, cắt hết bom họ quay ra yểm hộ cho nhau. Lửa khói bốc lên dữ dội. Tiếng bom nổ rung chuyển cả thành phố Sài Gòn. Lúc này tất cả các phi công đều nghe tiếng la hét, hoảng loạn của quân nguỵ ở Sở chỉ huy sân bay : “ Chết cha rồi Việt cộng pháo kích, Việt cộng oanh kích”.

Do hệ thống điều khiển cắt bom bị hỏng, máy bay của Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Lục vẫn còn bom nên phải vòng lại oanh tạc lần thứ ha. Mai Xuân Vượng và Hán Văn Quảng lượn vòng lên trên yểm hộ. Quân địch kinh hoàng vì bất ngờ, không quân và pháo cao xạ sân bay không kịp phản ứng gì. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ oanh tạc mục tiêu, phi đội tập hợp đội hình bay về hướng đông, lúc đó họ mới thấy những chớp lửa hốt hoảng và tuyệt vọng của địch từ sân bay bắn lên. Nguyễn Thành Trung bay cuối cùng sẵn sàng chặn đánh máy bay tiêm kích của địch, yểm hộ
cho đồng đội.

Tại đài chỉ huy, đồng chí tư lệnh và các đồng chí Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị đi đi, lại lại, đứng ngồi không yên, cầm ống nhòm quan sát và lắng nghe tiếng máy bay. Sân bay đã chuẩn bị sẵn sàng cho phi đội hạ cánh. Đồng chí trợ lý tác chiến cách mấy chục giây lại gọi một lần: “ Sao băng đâu? Sao băng đâu? Bắc đẩu gọi nghe rõ trả lời...".

Trời đã sẩm tối phi đội còn cách sân bay 20 km, Từ Đễ, Nguyễn Thành Trung báo cáo sắp hết dầu, phải tắt một động cơ để đủ dầu hạ cánh. Sở chỉ huy lệnh cho Nguyễn Văn Lục bay thêm một vòng nữa để yểm hộ, rồi cho bật đèn đường băng, cho phép phi công bật đèn máy bay. Từ Đễ và Nguyễn Thành Trung hạ cánh trước, tiếp đó là Mai Xuân Vượng, Hán Văn Quảng và Nguyễn Văn Lục. Tất cả hạ cánh an toàn.

Trận đánh có ý nghĩa lớn không những tiêu diệt máy bay chiến đấu của địch mà còn có ý nghĩa chiến lược. Không những một số lớn máy bay của địch cùng với hàng trăm sỹ quan, binh lính nguỵ bị tiêu diệt mà buộc Mỹ phải tổ chức chiến dịch di tản vào ngày 29/4. Sáng ngày 30/4/1975, 5 cánh quân của ta đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Vào lúc 11 giờ 30 phút lá cờ Giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc lập báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
( Nguồn: http://www.btlsqsvn.org.vn/BaotangQSVN/chi_tiet_hien_vat/?Where?=-1000831)
kanehoshi
kanehoshi
Lớp 6
Lớp 6

Tổng số bài gửi : 43
Registration date : 29/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung Empty Re: Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung

Bài gửi  kanehoshi 8/10/2008, 15:36

Cách đây đúng 30 năm, vào lúc 8h30 ngày 8/4/1975, trung úy Nguyễn Thành Trung đã dùng máy bay phản lực F5E ném bom Dinh Độc Lập, đánh đòn cảnh cáo chính quyền Sài Gòn. 3 tuần sau đó, các cánh quân giải phóng với sức mạnh vũ bão, cùng với sự nổi dậy của đồng bào, đã tiến vào giải phóng Sài Gòn. 30 năm qua, đã có nhiều bài viết, một số phim nói về Nguyễn Thành Trung, nhưng ở con người giản dị ấy, mỗi lần gặp tôi lại khám phá thêm những điều thú vị.

Vào những ngày này, anh Trung khá bận rộn. Ngoài công việc của người quản lý, anh vẫn đi bay như một phi công luôn đam mê bầu trời. Và còn bao cuộc hẹn với cánh báo chí nữa, cả trong và ngoài nước. Trong bộn bề ấy, anh Trung nhận lời tiếp tôi tại nhà riêng, căn nhà nhỏ mà tôi đã từng có dịp tới.

Cùng tiếp tôi còn có người anh cả của anh Trung, ông Đinh Khắc Cần, người đã tập kết ra Bắc rồi trở về Sài Gòn hoạt động cách mạng từ rất sớm, đầu năm 1965. Ông bị địch bắt và giam tại Côn Đảo. Sau Hiệp định Paris, ông được trao trả, rồi về công tác tại TP.HCM. "Tổ chức đã đặt tên Nguyễn Thành Trung là để che mắt địch chứ tên thật của cậu ấy là Đinh Khắc Chung", ông nói.

"Tổ chức đã làm tất cả để đưa tôi vào lực lượng không quân của quân đội ngụy với chỉ thị là làm sao phải trở thành phi công giỏi và chờ đến một ngày nào đó...", anh Trung kể. Anh Trung được đi học lái máy bay phản lực ở Mỹ từ 1969 - 1972. Anh đã qua các căn cứ Mỹ ở các bang Texas, Lousiana và Mississipi, khi về nước, anh đóng ở căn cứ không quân Biên Hòa. Suốt thời gian đó anh vẫn giữ liên lạc đều đặn với tổ chức.

Kế hoạch cho một phi vụ ném bom được anh bí mật chuẩn bị. Mọi việc từ xác định mục tiêu đến hạ cánh gấp, giả định đường băng ngắn, anh đều làm tốt. Có lần anh bị khiển trách vì làm hỏng máy bay do hạ cánh gấp. Một câu hỏi đặt ra cả với tổ chức và bản thân Nguyễn Thành Trung: nếu có thời cơ, ném bom rồi thì hạ cánh ở đâu? Hệ thống sân bay ở miền Nam thì Trung thuộc như lòng bàn tay, nhưng những sân bay trong tầm bay thì địch vẫn còn kiểm soát. Cấp trên gợi ý, có thể phải nhảy dù ở một nơi nào đó trong rừng cao su thuộc vùng giải phóng tỉnh Lộc Ninh.

Đầu tháng 2/1975, ta giải phóng tỉnh Phước Long, anh Trung liền đề nghị cấp trên gấp rút sửa sân bay dã chiến Phước Long, mặc dù đường băng ngắn không đủ cho máy bay F5E hạ cánh. Sau chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, tình hình chiến sự diễn biến có lợi cho ta, thời cơ mới đang đến. Nguyễn Thành Trung đã báo cáo với cấp trên và đề nghị sẵn sàng đón anh trong khoảng từ 1-10/4.

Với anh, làm thế nào để bay một mình đi ném bom, luôn là một câu hỏi lớn. "Hôm ấy, ngày 8/4, chúng tôi có một phi vụ đi ném bom ở Phan Rang. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Đây là một cơ hội tốt cho tôi, nhưng làm được cực kỳ khó khăn vì khi đã bay thì mình không thể tách phi đội ra trên không trung. Mình càng không thể lấy máy bay trong căn cứ, khởi động rồi lăn ra đường băng cất cánh", anh Trung chậm rãi kể.

Nhưng cái gì đến phải đến. Qua kinh nghiệm luyện tập và nắm vững quy luật, anh đi đến quyết định táo bạo: phải đánh lạc hướng, phải làm cho phi đội trưởng và đài kiểm soát không lưu nhầm lẫn trong việc chỉ huy bay. Theo quy định, khi chuẩn bị cất cánh cũng như trên không trung, phi đội không trao đổi với nhau qua máy vô tuyến điện, chỉ được ra hiệu bằng tay quy ước điều muốn nói. Chỉ có người chỉ huy được quyền trao đổi với đài chỉ huy mặt đất, những người khác trong phi đội tuyệt đối không được phép. Và Nguyễn Thành Trung đã khai thác lỗ hổng này để tạo sự hiểu lầm.

"Trong phi đội 3 chiếc, tôi ở vị trí số 2. Khi cả 3 máy bay đã sẵn sàng cất cánh, người chỉ huy nhìn về phía tôi, tôi nhìn về phía số 3. Nếu số 2, 3 đều giơ ngón cái chỉ lên, sau 5 giây, máy bay chỉ huy số 1 cất cánh, tiếp theo thứ tự sau 5 giây. Với đài chỉ huy, nếu một máy bay nào đó bị trễ, họ cho thêm 5 giây, tổng cộng 10 giây. Nếu quá 10 giây, sang giây thứ 11 mà anh không thể cất cánh, anh sẽ không được bay nữa. Họ buộc anh ở lại không được phép cất cánh, trở vào nơi đỗ an toàn", anh Trung giải thích.

"Tôi chỉ có 10 giây để làm điều này, làm cho họ hiểu lầm lẫn nhau. Khi viên chỉ huy quay lại nhìn, tôi giơ 2 ngón út và áp út thay vì giơ ngón cái chỉ lên. Đó là một trong bốn ký hiệu được quy ước và ông ấy hiểu ngay là tôi bị trục trặc về điện. Nếu ông báo cho đài chỉ huy thì tôi sẽ không được cất cánh. Nhưng ông ấy ra hiệu cho tôi, số 2 ở lại không đi, số 1 và 3 cất cánh bình thường. Tôi gật đầu ra hiệu là tôi đã hiểu và ở lại. Cảm giác hồi hộp và mừng rỡ ập đến pha trộn trong tôi. Thời cơ đến rồi, tôi thầm nhủ".

Sau khi 2 máy bay cất cánh, Trung đếm 5 giây, cộng thêm 5 giây nữa và cũng cất cánh. "Phi đội nghĩ là tôi ở lại. Còn đài chỉ huy nghĩ tôi chỉ bị trễ một chút thôi và bây giờ tiếp tục cất cánh thực hiện nhiệm vụ chứ không có trục trặc gì. Và trong khoảnh khắc ngắn ngủi 5 giây cuối đó, tôi đã cất cánh bay thẳng về hướng Sài Gòn. Chỉ sau 5 phút, tôi đã đến mục tiêu và ném bom xuống Dinh Độc Lập".

Máy bay của anh Trung mang 4 trái bom 500 cân Anh. Có 3 mục tiêu được xác định là Dinh Độc Lập, Sứ quán Mỹ và kho xăng Nhà Bè. Vòng thứ nhất anh thả 2 trái xuống dinh nhưng trượt mục tiêu. Anh quyết định quay lại và lần này thì ném trúng vào phía sau dinh.
Hoàn thành nhiệm vụ, anh hạ thấp độ cao, tăng tốc, bay rất thấp, sát mái nhà để tránh rada. Anh đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long trong sự vui mừng khôn xiết của cán bộ Miền và chiến sĩ giải phóng. Hai tuần sau, vào ngày 21/4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và chạy ra nước ngoài.

Nhưng Nguyễn Thành Trung không dừng ở đó. Anh được tổ chức đưa ra sân bay Đà Nẵng và huấn luyện các phi công thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, lập một phi đội máy bay A37 ta mới chiếm được, chuẩn bị cho một nhiệm vụ mới.

Và ngày 28/4, Phi đội "Quyết thắng" đã lập công xuất sắc. 5 chiếc A37 cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là một cú sốc đối với Đại sứ Mỹ Martin: không còn nơi nào an toàn nữa, chậm sẽ bị kẹt lại ở đây.

Từ chiều tối hôm đó, hơn 3.000 người Mỹ còn lại ở Sài Gòn đã vội vã di tản bằng trực thăng ra các tàu hải quân đợi ở ngoài khơi. Vào lúc rạng đông, khi chiếc máy bay trực thăng cuối cùng rời nóc Sứ quán Mỹ bay ra biển, cũng là lúc 5 cánh quân giải phóng cùng với xe tăng thẳng tiến về Sài Gòn.

Người "sĩ quan ngụy" lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập năm xưa nay đã trở thành Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cơ trưởng lái máy bay hành khách hiện đại. Anh là phi công Việt Nam đầu tiên lái máy bay Boeing 767. Những năm gần đây anh qua lại Mỹ thường xuyên, khi thì tham dự khóa huấn luyện ngắn hạn lái máy bay Boeing 777-200, khi thì sang nhận máy bay Boeing do hãng mua về.

"Hy vọng rằng cuối năm nay hoặc đầu năm 2006, khi Việt Nam mở đường bay thẳng tới Hoa Kỳ, tôi sẽ là một trong những người đầu tiên lái Boeing 777 hạ cánh xuống sân bay San Francisco, mang đến cho nhân dân Mỹ hình ảnh của một nước Việt Nam mới đang vươn lên mạnh mẽ". Đó là niềm tự hào của anh, là niềm vui được đóng góp vào sự phát triển của Hàng không Việt Nam.

Theo Báo Thanh Niên
kanehoshi
kanehoshi
Lớp 6
Lớp 6

Tổng số bài gửi : 43
Registration date : 29/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung Empty Re: Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung

Bài gửi  kanehoshi 8/10/2008, 15:33

Cuộn băng được ghi chiều ngày 28/4/1975, lưu lại phút xuất kích và lúc trở về của trận đánh bom Tân Sơn Nhất . Đây là lời kể trực tiếp của các phi công về trận đánh.

Đến sáng 28/4, tại sân bay Thành Sơn, tất cả đã sẵn sàng đợi lệnh xuất kích. Cùng lúc đó trên khắp các mặt trận 5 cánh quân của 5 binh đoàn chiến dịch từ 5 hướng đang hình thành thế hợp vây nhằm đột phá vào nội đô để đánh chiếm 5 mục tiêu trung tâm đầu não hiểm yếu nhất của chế độ Sài Gòn.
Chiều hôm ấy, theo kế hoạch đã định – sau khi báo cáo Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh chiến dịch về thời gian xuất kích, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri đã ra lệnh cho Phi đội Quyết thắng từ sân bay Thành Sơn bắt đầu cất cánh lúc 16 giờ 30 để thực hiện phi vụ đặc biệt đánh bom vào căn cứ Tân Sơn Nhất – một trong 5 mục tiêu trọng yếu của chiến dịch.

Phi vụ đặc biệt này đã được phái viên cơ quan Chính trị – Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân ghi âm lại trong cuộn băng với nhan đề “Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất”. Thu ngày 28/4/1975 tại sân bay Thành Sơn – Phan Rang.

Trước lúc Phi đội Quyết thắng xuất kích, qua đoạn đầu băng ghi âm phát ra tiếng nói của một người tự giới thiệu tên là Nguyên – nhân viên kỹ thuật của quân đội Sài Gòn đã ra trình diện: “Tôi ở sân bay Đà Nẵng đã 8 năm, làm lính không quân chuyên sửa chữa động cơ máy bay. Sáng 29/3, khi Quân giải phóng vừa tấn công vô, các ông lớn ở đây đều chạy hết.

Tôi ra trình diện và rất phấn khởi được cách mạng kêu lại phục hồi những chiếc máy bay đang hư hại nặng. ở Đà Nẵng có 10 chiếc A37 rất xấu, tôi chỉ sửa được 2 chiếc. Tiếp đó tôi được đưa vô sân bay Phù Cát sửa thêm 5 chiếc A37 nữa và bây giờ 5 chiếc này sẽ bay đi chiến đấu hôm nay”.

Tiếng người nhân viên kỹ thuật (có tên là Nguyên) vừa nói đến đây, băng ghi âm bỗng rồ lên tiếng động cơ và tiếp đó có cả tiếng người giới thiệu: Đó là tiếng máy bay A37 đang phát động để các nhân viên kỹ thuật mặt đất kiểm tra lần cuối trước khi xuất kích.

Băng ghi âm tiếp tục chạy qua mấy giây rồi dứt tiếng động cơ máy bay. Tiếp đến nghe thấy có tiếng sột soạt giở bản đồ. Một giây im lặng… băng lại phát ra tiếng nói trang nghiêm dõng dạc với giọng Quảng Trị của đại tá Lê Văn Tri(1) – Tư lệnh Quân chủng ra lệnh cho Phi đội Quyết Thắng: “Trước giờ phút lịch sử trọng đại này, để tham gia cùng các lực lượng giải phóng Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam yêu quý của chúng ta, hôm nay, tôi thay mặt Bộ Tư lệnh quân chủng giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết Thắng: Một – các đồng chí phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao một cách xuất sắc. Hai – tập trung toàn bộ lực lượng của phi đội đánh vào khu tập trung máy bay của quân ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian xuất kích là mười sáu giờ ba mươi (16h30) ngày 28/4/1975. Chúc các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”.

Kế đó băng ghi âm phát tiếp với giọng nói Nam Bộ của Nguyễn Thành Trung bày tỏ quyết tâm: “Tôi thay mặt Phi đội Quyết thắng rất vinh dự được lãnh trách nhiệm của nhân dân giao phó nhằm đóng góp vào chiến công chung. Tôi xin hứa quyết tâm đánh thật bất ngờ, đánh thắng và mang lại kết quả nhiều nhất”. Tiếp theo là tiếng vỗ tay đồng loạt kéo dài trong phòng họp, rồi tiếng công tắc tắt máy.

Dừng một đoạn, băng ghi âm lại phát ra lời giới thiệu hối hả đè trên nền tiếng động cơ máy bay đang phát động vang rền: “Bây giờ là mười sáu giờ ba mươi (16h30), Nguyễn Thành Trung số 1 dẫn đầu, Để số 2, Lục số 3, Vượng và On số 4, Quảng số 5… bắt đầu xuất kích”. Dứt tiếng người thuyết minh với giọng hồi hộp khẩn trương, tiếp theo là tiếng động cơ máy bay rít lên như xé không gian, rồi xa dần… xa dần… Sau đó tiếng công tắc ghi âm tắt máy.

… Rồi máy ghi âm lại bật mở, nghe rộn ràng giọng nói gấp của người đang ở tại sân bay Thành Sơn – Phan Rang giới thiệu tiếp đã được ghi vào băng: “Chiều xuống, không gian trở nên yên tĩnh, mọi người có mặt tại sân bay lúc này đang hồi hộp, bồn chồn chờ đợi để tiếp nhận Phi đội xuất kích trở về…

Đây rồi! Bây giờ là mười tám giờ ba mươi (18h30) trên bầu trời từ xa chúng tôi thấy đang xuất hiện hai chiếc A37 đầu tiên đã bật đèn đỏ xin hạ cánh. Cả sân bay chúng tôi đang hướng về phía đường băng. Tiếng động cơ đã vang trên bầu trời sân bay… Và tiếp theo… kìa, chiếc máy bay thứ ba cũng đã về…

Kia nữa, chúng tôi đã thấy từ xa hai chiếc nữa cũng đang nối tiếp nhau bay về. Như thế là toàn Phi đội Quyết thắng đã trở về đầy đủ. Đẹp quá… Lúc này cả Phi đội đang hình thành đội hình bay qua sân bay chuẩn bị hạ cánh”.

Băng ghi âm vẫn mở, tiếng động cơ máy bay to dần và lời người tường thuật đang phát tiếp: “Toàn phi đội đã hạ cánh an toàn trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người đang lao nhanh ra chào đón những người chiến thắng trở về…

Nguyễn Thành Trung đang báo cáo với Tư lệnh Quân chủng. Đồng chí Tư lệnh đang ôm hôn từng người trong Phi đội Quyết thắng…”. Tiếp theo cuộn băng phát rộ lên tiếng nói cười phấn khởi, hân hoan náo nhiệt, hòa với lời của các phi công mới hạ cánh cùng những người ở mặt đất– cả giọng Nam Bộ xen lẫn giọng miền Trung, miền Bắc, tiếng nói của cả ba miền rộn ràng, nhộn nhịp vui như ngày hội lớn. Sau đây là tóm lược lời thuật lại trận đánh của các phi công được ghi tại sân bay thành Sơn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về:

“Chiều 28/4 thời tiết rất xấu. Khi máy bay đến Xuân Lộc nâng dần độ cao lên 2000 m, phi công ta không nhìn thấy mặt đất. Có lúc khoang buồng lái tối sầm lại vì phải chui qua đám mây đen. Trời đổ mưa. Phi công Nguyễn Thành Trung vẫn bình tĩnh dẫn đầu phi đội bay về phía Bà Rịa – Vũng Tàu rồi ngược lên Biên Hòa (xem sơ đồ đường bay).

Trời vừa lóe ánh nắng thì phi đội cũng vừa đến đỉnh sân bay Tân Sơn Nhất, thấy rõ từng dãy máy bay, ô tô các loại dày đặc ở khắp nơi. Nguyễn Thành Trung báo mục tiêu cho toàn Phi đội, rồi nhằm đúng khu tập trung máy bay quân sự bổ nhào xuống cắt bom, nhưng bom không rơi.

Trong ống nghe bên tai các phi công ta bỗng dội vào tiếng nói nhốn nháo, xôn xao của đám lính truyền tin dưới sân bay, rồi có tiếng ngơ ngác quát tháo của một sĩ quan ngụy hỏi: “A37 của phi đoàn nào? Phi đoàn nào?”. Lúc này Từ Để (số 2) vẫn bay sát theo máy bay số 1 nối tiếp bổ nhào xuống cắt bom, vừa nghe chúng nó hỏi nhau vậy, anh liền trả lời luôn: “Của phi đoàn America chúng mày đây!”.

Tiếp theo Từ Để là Lục, Quảng, Vượng và On lần lượt nhào xuống cắt bom. Nguyễn Thành Trung quay lại lần thứ ba mới cắt luôn cả bốn quả bom rơi cùng một lúc. Tiếng nổ rung chuyển cả Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất bùng phát những đám lửa, cột khói cuồn cuộn từ khu vực để máy bay C130, C47, A37 bốc lên”.

***

Trở lại với Tổng hành dinh ở Hà Nội lúc bấy giờ, cũng qua hồi ức của Đại tướng Hoàng Văn Thái kể lại: Cuối buổi chiều hôm ấy 28/4, trong khi từ chiến trường chưa báo cáo ra kịp vì còn đang kiểm tra lại kết quả, thì qua các đài phương Tây, Bộ Tổng tham mưu đã được tin: Hồi 17 giờ, 5 chiếc máy bay phản lực A37 của Quân Giải phóng đã đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Tin đầu tiên của các đài này cho biết nhiều máy bay trong căn cứ bị phá hủy – có cả máy bay C130 của Mỹ túc trực để thực hiện kế hoạch di tản. Cả Sài Gòn náo động vì bị đòn đánh bất ngờ này.

Cũng từ Hà Nội, ngay tối hôm đó Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cho gọi sĩ quan Cục Tình báo – Bộ Tổng tham mưu (Cục 2) sang nhà để báo cáo những thông tin mới nhất về địch sau khi căn cứ Tân Sơn Nhất bị không quân ta đánh bom.

Qua các đài phương Tây và tình báo kỹ thuật ta, Cục 2 đã tổng hợp báo cáo nhiều tên tay sai ở Sài Gòn đã bỏ chạy ra nước ngoài, trong đó có Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên và Thủ tướng Nguyễn Bá Cần vừa từ chức, cùng 60 nghị sĩ. Tại Sài Gòn cuộc di tản đang diễn ra trong cảnh hoảng loạn, vì máy bay vận tải của Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất đảm nhiệm chuyên chở di tản đã bị phá hủy trong trận bị đánh bom chiều 28/4, nên Mỹ phải sử dụng hàng loạt trực thăng dùng sân thượng các cao ốc làm bãi đáp để tiếp nhận người di tản ngay giữa trung tâm nội thành, cảnh tượng ấy càng làm cho Sài Gòn thêm hỗn loạn.

Các hãng thông tin Mỹ, Anh, Úc, Nhật… đều loan tin cảnh náo động và tình trạng mất trật tự không thể kiểm soát được đang diễn ra. Và, cũng trong lúc này có tin Dương Văn Minh (nhậm chức Tổng thống chính quyền Sài Gòn đúng chiều 28/4 thay Trần Văn Hương) đã cử đại diện đến trại David ở Tân Sơn Nhất – nơi đóng trụ sở của phái đoàn quân sự ta (từ năm 1973 sau Hiệp định Paris), đề nghị “thương lượng” cho cuộc ngừng bắn nhằm hãm đà cuộc tấn công của quân ta và hòng vớt vát chút ít để khỏi mất hết.

Vậy là tác động về tinh thần, trận đánh bom Tân Sơn Nhất góp phần tạo ra áp lực mạnh đối với nội các Sài Gòn trong cơn hấp hối trước cuộc tấn công như vũ bão của 5 cánh quân ta đang xốc thẳng vào nội đô.

Được biết về sau qua kiểm tra của Bộ Tổng tham mưu ta và các sĩ quan không quân ngụy có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc bấy giờ, sau khi ra trình diện ủy ban Quân quản TP Sài Gòn – Gia Định đã khai báo lại, trong trận tập kích bất ngờ này không quân ta đã đánh trúng cả khu để máy bay chiến đấu, phá hủy 24 chiếc các loại, một kho nhiên liệu chứa đầy xăng bốc cháy, hơn 200 lính ngụy chết, hàng trăm tên khác bị thương, số sống sót đều bỏ chạy tán loạn. Căn cứ Tân Sơn Nhất hoàn toàn tê liệt. Trận đánh đã hỗ trợ đắc lực cho bộ binh ta nhanh chóng phát triển đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Sau ngày giải phóng Sài Gòn và cả đồng bằng sông Cửu Long, khi đáp máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để dự lễ mừng chiến thắng 30/4 và kỷ niệm 85 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gặp gỡ, thân mật bắt tay biểu dương khen ngợi các phi công trong Phi đội Quyết thắng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ghi một chiến công đặc biệt của không quân Việt Nam trong mùa Xuân đại thắng 1975.

Về cuộn băng ghi âm “Trận đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất” ngày 28/4/1975 với thời lượng khoảng 60 phút đã ghi lại những giờ phút sôi động, hào hùng của chiến công oanh liệt này, nay đã trở thành một chứng tích lịch sử trong Bảo tàng truyền thống của Bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam Anh hùng.
Sưu tầm
Ghi chép của Bùi Đình Nguyên
kanehoshi
kanehoshi
Lớp 6
Lớp 6

Tổng số bài gửi : 43
Registration date : 29/06/2008

Về Đầu Trang Go down

Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung Empty Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung

Bài gửi  Admin 4/10/2008, 21:57

Nhân chủ đề này: https://noibai.forumvi.com/forum-f28/topic-t824.htm
có đồng chí nào biết những chiến tích vẻ vang của anh hùng Nguyễn Thành Trung trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, post lên cho bà con cùng mở mang kiến thức được không nhỉ ?

Admin
Quản trị
Quản trị

Tổng số bài gửi : 311
Registration date : 25/10/2007

https://noibai.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung Empty Re: Những kỳ tích của anh hùng Nguyễn Thành Trung

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết